Lời giới thiệu

Những người bạn lớn

Trên thế giới có thể đếm trên đầu ngón tay các quốc gia có được sự ưu đãi của tự nhiên ban tặng cho loài vật to lớn và thông minh nhất ở trên cạn, đó là loài voi. Tiếc thay danh sách này đang dần ngắn lại và Việt Nam đang đứng ở cuối danh sách.

Theo Sách đỏ, voi ở Việt Nam là loài voi châu Á có tên khoa học là Elephas maximus. Người Tây nguyên gọi rơ man. Voi nặng trung bình 3.500-5.000kg, có tuổi thọ 80-90 năm hoặc hơn nữa, chu kỳ sinh sản 4-5 năm mỗi lứa, thời gian mang thai 21-22 tháng, mỗi lần đẻ một con. Chúng từng sống rải rác ở Lai Châu, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Tây nguyên, Bình Phước, Đồng Nai... nhưng hiện nay chỉ còn rất ít dải rác ở một số điểm miền trung và cao nguyên. Mức độ đe dọa tuyệt chủng bậc V.




Người Việt đã sớm biết thuần dưỡng và sử dụng sức mạnh của loài Voi để tạo dựng và bảo vệ quốc gia độc lập. Lịch sử còn ghi lại những đoàn tượng binh dũng mãnh từ thời hai bà Trưng, bà Triệu cho đến đoàn voi lặng lẽ vận chuyển lương thực, vũ khí trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh góp phần giải phóng miền nam thống nhất đất nước. Không chỉ trong chiến tranh trong cuộc sống thường nhật, Voi đã đem sức mạnh của mình đứng bên hỗ trợ con người vượt lên trên thách thức của tự nhiên tạo dựng cuộc sống ấm no. Hình ảnh của những sinh vật đồ sộ này không những thể hiện sự uy phong của vương triều mà còn là biểu tượng của sự giầu có và thịnh vượng trong mỗi buôn làng mỗi dòng họ. Có thể nói, con voi đã trở thành những người bạn lớn của con người trong suốt chiều dài của lịch sử.

Điều gì đã khiến loài vật tưởng chừng như không có đối thủ trong tự nhiên bỗng chở nên mong mạnh đứng đầu danh sách tuyệt chủng?. Trong những năm gần đây đã có nhiều nghiên cứu, nhiều dự án của các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương đánh giá và phân tích, đề xuất nhiều biện pháp bảo tồn loài động vật quý hiếm này. Song đàn voi vẫn đã và đang suy giảm một cách nhanh chóng. Chung số phận với những đàn voi hoang dã, đàn voi nhà của Tây nguyên cũng mai một từng ngày, cả về số lượng cũng như chất lượng. Theo thống kê chưa đầy đủ năm 1985 Tây Nguyên có trên 500 con voi nhà thì đến nay còn chưa đầy 60 con. Theo dự báo của các nhà khoa học, chỉ chừng 20 năm nữa đàn voi này cùng với những buôn làng ở Tây nguyên vang bóng một thời với nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng sẽ chỉ còn là “di sản”

Đứng trước thực trạng đó, chúng tôi những người yêu quý hình ảnh của những người bạn lớn chọn cách tiếp cận vấn đề thông qua phương thức xã hội hoá công tác bảo tồn loài voi. Bước đầu chúng tôi tiến hành khảo sát thu thập hình ảnh và những câu truyện về voi, gắn bó với đời sống con người. Tổ chức triển lãm, xuất bản những ấn phẩm nhằm giới thiệu cho bạn đọc cả nước làm quen với từng con voi nhà còn sót lại. Bước kế tiếp sẽ tiến hành khảo sát ghi lại hình ảnh và tập quán của voi trong tự nhiên. Làm cơ sở vận động đồng bào cả nước góp sức người, sức của cho công tác bảo tồn, giữ gìn môi trường sống và phát huy những giá trị văn hoá của loài vật đã bao đời nay gần gũi, gắn bó sẻ chia với con người.

Trong tập sách này chúng tôi giới thiệu với độc giả hình ảnh của những đại diện cuối cùng của voi nhà Tây Nguyên, Cuốn sách được làm với hình thức tập bưu ảnh để tiện cho bạn đọc có thể gửi cho bạn bè, người thân như một lời giới thiệu làm quen và góp phần chuyển tải thông điệp kêu gọi sự quan tâm hơn nữa của cộng đồng với những người bạn lớn.